Ngày 20-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM cho biết là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại nhưng trên nguyên tắc là bảo đảm sản xuất an toàn.
TP.HCM: Các doanh nghiệp phải thích ứng an toàn
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, để DN khởi động lại quá trình sản xuất cần một thời gian nhất định. Nó giống như một người bệnh, để trở lại bình thường phải có quá trình dưỡng bệnh. DN sau một thời gian đóng cửa, sản xuất cầm chừng thì thiếu hụt lao động, nguồn lực thâm hụt, thị trường bị thu hẹp và còn rất nhiều thứ phải lo toan buộc DN phải có quá trình chuẩn bị.
DN phải làm tốt việc thích ứng an toàn, tức sản xuất an toàn, an toàn tới đâu mở rộng sản xuất tới đó.
Để duy trì sản xuất, các công ty phải tuân thủ quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt. Trong ảnh: Công nhân Công ty Hữu hạn Kim loại Sheng Bang ở Khu công nghiệp Sông Mây, Đồng Nai. Ảnh: P.ĐIỀN
TP.HCM sẽ hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho toàn bộ người lao động (NLĐ) của DN; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất an toàn trên cơ sở quy tắc 5K của Bộ Y tế và tiêu chí mà TP.HCM ban hành.
Theo ông Hoan, ngoài chuyện công nhân được tiêm vaccine, thường xuyên xét nghiệm thì DN phải có kịch bản xử lý tình huống khi có F0, bảo đảm cách ly phạm vi hẹp nhưng bảo đảm chung cho DN sản xuất an toàn. DN cũng phải xây dựng lực lượng lao động dự bị, dự phòng để có thể thay thế F0 nhằm hoạt động bình thường.
Về việc phối hợp với các tỉnh, TP mở kênh đưa công nhân ở các tỉnh đã về quê từ đợt dịch thứ tư trở lại TP.HCM làm việc, điều này còn phải gắn với nhu cầu của DN. TP.HCM luôn sẵn sàng đón công nhân trở lại TP làm việc. “Sau ngày 30-9, nếu TP.HCM đã ổn và các địa phương khác đã ổn thì việc đi lại của bà con sẽ bình thường trở lại trên cơ sở đã tiêm vaccine. DN nên rà soát số lượng công nhân và NLĐ, lập danh sách và đề xuất để khi công nhân trở lại là được tiêm vaccine” – ông Hoan nói.
Bình Dương: Tạm sử dụng người lao động có sẵn tại vùng xanh
Ngay sau khi các địa phương tại Bình Dương công bố vùng xanh, DN trên địa bàn các vùng xanh đã bắt đầu khởi động các hoạt động bình thường mới.
Thế nhưng, việc bắt đầu khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới gây nhiều khó khăn cho DN vì đã tạm ngưng sản xuất trong một thời gian, trong đó có thiếu hụt NLĐ.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, số liệu thống kê mới đây cho thấy các DN đăng ký đầu tư mới, điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều chỉnh vốn trong các khu công nghiệp tăng vượt 1,5 tỉ USD, trong đó đa số là tăng vốn, đây là tín hiệu đáng mừng.
Cũng theo ông Trí, sau khi nới lỏng giãn cách đã có hơn 400 DN đăng ký quay lại sản xuất với số lượng gần 53.000 NLĐ.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8 giảm. Điều này cho thấy nếu không nhanh đưa sản xuất bình thường trở lại thì IIP sẽ giảm trong thời gian tới.
(Theo PLO)