Lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh tại nhiều ngân hàng trong đầu tháng 9 trong bối cảnh đầu ra tín dụng vẫn đang bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp giãn cách xã hội.
- Advertisement -
Các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,5 điểm % so với tháng trước, tập trung ở cả kỳ hạn ngắn và dài.
Thanh khoản dư thừa, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động
Hai tuần đầu tháng 9, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,5 điểm % so với tháng trước, tập trung ở cả kỳ hạn ngắn và dài.
Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, BIDV và Agribank vừa có điều chỉnh lãi suất huy động tại một số kỳ hạn dài.
Cụ thể, tại BIDV, tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm 0,1 điểm % xuống còn 5,5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.
Biểu lãi suất Agribank đầu tháng 9/2021 cũng có sự điều chỉnh giảm dành cho cả hai phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Trong đó, tại kỳ hạn 12 tháng đến 24 tháng dành cho khách hàng cá nhân, Agribank điều chỉnh giảm 0,1 điểm % xuống còn 5,5%/năm. Cùng kỳ hạn trên, khách hàng doanh nghiệp chỉ còn được hưởng lãi suất tiền gửi 4,8%/năm, so với mức 4,9%/năm được niêm yết trước đó.
Hiện tượng giảm lãi suất huy động tiếp tục xuất hiện rõ nét hơn ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân với mức điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Sacombank là một ví dụ. Hiện lãi suất huy động tại ngân hàng này đã giảm từ 0,2 đến 0,5 điểm % so với tháng trước, tùy từng kỳ hạn.
Trong đó, lãi suất huy động tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,9%/năm và 3%/năm.
Từ kỳ hạn 2 tháng đến 5 tháng, lãi suất huy động được áp dụng ở mức 3%/năm, giảm 0,3 điểm % so với tháng trước, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,3%/năm, tương ứng giảm 0,3 điểm %.
Lãi suất huy động kỳ hạn 7 tháng đến 11 tháng cũng đồng loạt được điều chỉnh giảm tới 0,4 điểm % cho mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm %. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng đã giảm tới 0,5 điểm %, xuống cònn 5,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà khách hàng có thể hưởng tại Sacombank ở thời điểm này.
Tại Techcombank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng và từ 6 tháng đến 36 tháng đồng loạt giảm 0,1 điểm %, riêng kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng có cùng mức giảm là 0,15 điểm % so với khảo sát cuối tháng 8.
Hay tại Eximbank, lãi suất tiền gửi tháng 9 đã giảm 0,4 điểm %, 0,35 điểm % và 0,3 điểm % tương ứng với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Sau điều chỉnh, các kỳ hạn này được niêm yết lãi suất lần lượt là 3,1%/năm, 3,15%/năm và 3,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại cũng được điều chỉnh giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm % so với tháng trước.
Theo giới phân tích, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mấy tháng gần đây là do thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào mà minh chứng là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp trong thời gian qua.
Hiện lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang giao dịch quanh mức 0,69%, kỳ hạn 1 tuần là 0,80%, kỳ hạn 2 tuần là 0,93% và kỳ hạn 1 tháng là 1,16%/năm.
Trong khi đó, do tác động của đại dịch COVID-19, khả năng hấp thụ lượng tiền gửi còn hạn chế, các ngân hàng theo đó, phải điều chỉnh để cân đối chi phí.
Số liệu trước đó của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 3 đạt 2,95% so với đầu năm và tăng lên mức 6,44% đến cuối tháng 6, cao gần gấp đôi so với mức tăng 3,65% của cùng kỳ 6 tháng năm 2020.
Tuy nhiên, đến tháng 7 và 8, khi nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện mạnh biện pháp giãn cách xã hội, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% đến cuối tháng 8.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tháng 8 có xu hướng chậm lại và dự kiến tháng 9 cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội.
Tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng giảm tốc mạnh
Như trên, mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm khiến nhiều ý kiến cho rằng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn, trong đó đáng chú ý có kênh đầu tư chứng khoán,Bất động sản.
Và thực tế cũng cho thấy, nguồn tiền tiết kiệm vào ngân hàng cũng đang có dấu hiệu chững lại khi lãi suất huy động liên tục giảm sâu. Cập nhật mới nhất của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2021, quy mô tiền gửi của dân cư tại các TCTD ở mức gần 5,3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,94% so với cuối năm 2020.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 10,14% vào cuối tháng 6 trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.
Trước đó, tăng trưởng tiền gửi của cư dân từng ghi nhận mức cao tới 17,18% vào năm 2012 hay 15,91% năm 2013 khi lãi suất huy động vẫn ở mức hấp dẫn 9-12%/năm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, tăng trưởng tiền gửi khu vực này bắt đầu “cài số lùi” và đặc biệt giảm mạnh trong vòng 2 năm qua.
Theo BizLive
Theo BizLive